11
tháng Mười Một, năm Giáp Thìn

Đạm Thủy - Đức Minh, Mộ Đức - Quảng Ngãi

     

Gia phả tộc Nguyễn

Theo lời ông Long (cháu Nội của ông Thạch) kể lại rằng: "ông Viễn Tổ của chúng ta là người Trung Hoa, sang Việt Nam lập nghiệp, không rõ vào thời đại nào!"

Nhưng theo ý kiến chung của các bậc Trưởng lão hiện tại và căn cứ theo dòng lịch sử của đất nước thì:

_"Ông Viễn Tổ của chúng ta là người miền Bắc, vùng Thanh-Hóa Nghệ-An, năm 1558 tháp tùng theo Chúa Nguyễn-Hoàng (1525 - 1613) di dân vào hướng Nam, nơi đến gọi là Thuận Hóa, vùng Bắc Trung-bộ ngày nay!" (trang 207 "Lịch Sử họ Nguyễn Việt Nam" của TS. Nguyễn văn Kiệm, NXB Văn Hóa Thông Tin, năm 2014. Và cũng theo lời của GS-TS Nguyễn văn Hàm, ở số 6, Thành Mỹ, F.8, Q. Tân Bình, TP. HCM).

Và cũng theo nhiều bậc Trưởng Lão trong tộc thì dòng họ Nguyễn chúng ta không có tên lót giữa "Họ và Tên", mà chỉ về sau này mới phát sinh thêm!

Mộ của Ông nằm ở thôn Đạm Thuỷ Bắc, xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Tháng 8 năm 2006, mộ của Ông đã được con cháu xây dựng lại rất đẹp.

Tại tọa độ:

https://www.latlong.net/c/?lat=14.965954&long=108.924634

_Nguyễn Nham là đời thứ 11, từ ông Viễn Tổ tính xuống (theo lời ông Biên, cháu Nội của ông Nham). Tới đời thứ 15 là ông Nguyễn văn Trắc. Ông Trắc sinh năm 1962. Nếu ước tính mỗi đời là 30 năm thì tương đối khớp với dòng lịch sử là ông Viễn tổ của chúng ta đã tháp tùng di dân vào nơi đây khoảng cuối thế kỷ thứ 16.

Không rõ tên thật của Ông, nhưng căn cứ theo tục lệ ở quê mình, gọi tên tộc của người Cha là thất kính, nên chỉ được phép gọi tên người Cha theo tên đặt của người con đầu lòng, vì vậy tên gọi của Ông là Nguyễn Nham. Và tuy rằng không còn tư liệu nào nói về các đời Cao Tằng của Ông, chỉ dựa vào lời kễ và cách xưng hô vai vế theo thứ bậc của các vị cao niên còn sống trong họ tộc đối với lớp con cháu của Ông, cho thấy Ông là bậc Trưởng Lão.

Đã từ lâu rồi, khi đất nước còn trong thời Pháp thuộc, dòng họ ta đã chia ra 4 phái, mỗi phái đều được chia lương bằng và ruộng đất hương quả:

  1. Chánh phái, thanh minh ngày 17-03 AL ở thôn Đạm Thủy Nam, xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nay do ông Trắc cúng.
     
  2. Thứ phái, thanh minh ngày 11-03 AL ở Võ Đắt, thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Hiện nay do ông Tiến (Hựu) cúng.
     
  3. Quí phái, thanh minh ngày 18-03 AL ở thôn Lương Nông Nam, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nay do ông Nguyên (7 Ca) cúng.
     
  4. Quí phái, thanh minh ngày 29-03 AL ở thôn Đạm thuỷ Bắc, xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nay do ông Cho cúng.

Cao tổ Nguyễn Nham, đời thứ 11, thuộc phái "17 tháng 3", Chánh phái

Theo tục lệ thì riêng ngày 17-03 AL, tất cả các phái đều phải tập trung về Chánh phái dự cúng, với 1 an thóc hoặc gạo mang theo làm cúng phẩm, vì đây là ngày giỗ Thanh Minh toàn Tộc, còn chánh phái về các phái trong các ngày Thanh Minh sau thì khi đi dự giỗ không mang theo cúng phẩm, vì đã chia lương bằng và ruộng đất hương hoả.

Trong thời chiến tranh không tiện đi lại, nên vào năm 1971 nhân dịp ông Biên về Võ Đắt dự cúng Thanh Minh Thứ phái, đã bàn bạt với các vị cao niên ở đó rằng nên cúng vọng Thanh Minh cho con cháu có điều kiện xum họp. Và từ đó, vào ngày 17-03 AL có đến 2 nơi tổ chức cúng Thanh Minh, là:

(Thứ phái không còn cúng ngày 11-03 AL nữa).

Cũng do chiến tranh, ông bà chúng ta phải lưu lạc khắp nơi, khó mà giữ gìn tư liệu gia phả của dòng Tộc, nên hiện nay việc ghi chép gia phả thì do các phái tự tìm tư liệu làm lấy, chúng tôi là con cháu của ông Biên, cũng vì sự hiểu biết có giới hạn, nên trong quyển gia phả này chỉ ghi chép được chi tiết và hình ảnh nhiều nhất là các đời con cháu của ông Nham, ông Nga, và ông Giao.

Trong phái thứ nhì, ông Tiến (Hựu) ở Võ Đắt ghi chép tiếp theo những tư liệu của người chú là ông Xương truyền lại. Quyển gia phả này được ghi từ đời ông An trở xuống. Ông An cao hơn ông Nham tới 4 đời.

_Những chi tiết trong tập gia phả ấy, cùng nhiều tư liệu quí giá khác của dòng tộc, chúng tôi đã được ông Tiến cung cấp để đưa lên trang web gia tộc này, xin trân trọng cảm ơn chú 2 Tiến!

Phái thứ ba, chúng tôi có liên lạc được với ông Nguyên (7 Ca) ở Đức Thạnh, ông 9 Dần ở Ngãi Giao, và cũng tiếp nhận được 1 tập gia phả từ ông Tiến (Hựu) ở Vỏ Đắt trao lại, do 3 ông: Nguyễn văn Chiến ở Đà Lạt, ông Nguyễn văn Hữu ở Đức Thạnh và ông Trần Đình Bảy ở thị Trấn Đồng Cát biên soạn năm 2005, xin trân trọng cảm ơn các Ông. Quyển gia phả nầy được ghi chép kể từ đời Ông "chồng của bà 2 Trụ" (vì không ai rõ tên Ông là gì nên chúng tôi xin mạn phép tạm gọi là Cao Tổ Nguyễn Trụ, thật ra Nguyễn Trụ là tên cha của bà 2 Trụ, tức cha vợ của Ông nhưng là họ Nguyễn của 1 dòng khác ở Quảng Ngãi, thông tin này chúng tôi vừa ghi nhận trong dịp về dự Thanh Minh năm 2012), Ông này đời thứ 8, cao hơn Ông Nham 3 đời.

Ông hạ sinh một Ông đời thứ 9 mà cũng không ai nhớ là tên gì, nhưng con cháu đời sau có lưu truyền tên những người con của Ông, nên chúng tôi đề nghị với các vị Lão niên hiện tại, và đã thống nhất gọi Ông là Nguyễn Đờn, vì căn cứ theo tục lệ ở quê ta thì gọi tên cha mẹ theo tên người con đầu lòng, để tiện cho việc ghi chép tên tuổi con cháu các đời sau vào gia phả, còn trên bia mộ vẫn giữ nguyên văn là "Phần mộ Cha của các con"....

_Một điều đáng chú ý : do thời cuộc chiến tranh nên có 1 Chi tộc là cháu Cố của Ông Nguyễn Đờn, tên đặt là Nguyễn Sang, đời thứ 12, năm 1919 đã lưu lạc về Cà Mau, thuộc miền Tây-Nam bộ (thời kỳ Pháp thuộc) phải đổi tên họ là Lê văn Khánh để tạo dựng cuộc sống, tuy nhiên con cháu các đời sau này vẫn biết nguồn gốc mình là họ Nguyễn ở Mộ Đức - Quảng Ngãi (thông tin này do Ông 6 Chiến cung cấp năm 2012) !

Phái thứ tư, chúng tôi đã liên lạc với ông 2 Tiến, ông 2 Hường, ông Tấn (2 Khá) ở Võ Đắt, ông Hiếu ở Sông Vệ để tìm hiểu. Và gần đây chúng tôi cũng có liên lạc được với các con của ông Hoa; ông 9 Hùng, cùng với ông 3 Sung (3 Phúc) ở Bà Rịa Vũng Tàu (Ông Sung cũng có ghi chép cho nhánh của ông, kể từ đời ông Hố). Theo những lời kể của: ông Sung, ông Hùng, ông Hường, ông Khá và ông Hiếu thì ông Hố cũng cao hơn ông Nham 3 đời, tức là đời thứ 8.

Phả đồ